22. Quyền theo giáo luật của Kitô hữu có hoàn toàn hay không? Hay nó chỉ được trao trong một giới hạn nhất định?

Bên cạnh những giới hạn đã được dẫn chứng, điều 223 trao cho người Công giáo những giới hạn chung khi họ thực hiện quyền theo Giáo luật. Khoản một của điều luật này nói:
“Khi xử dụng các quyền lợi của mình, các tín hữu, dù là cá nhân hay kết hợp thành các hiệp hội, phải xét tới lợi ích chung của Giáo hội, cũng như quyền lợi của người khác, và những bổn phận của mình đối với tha nhân”.
Tóm lại, không có quyền theo giáo luật nào là hoàn toàn. Hơn nữa, quyền theo Giáo luật được hiểu trong ngữ cảnh nói về bổn phận của một người đối với Giáo hội. Do đó, người ta luôn phải thực thi quyền theo Giáo luật của mình trong viễn cảnh vì lợi ích chung, có nghĩa là lợi ích của cả Giáo hội và của cộng đoàn giáo hội địa phương nơi mình sinh sống. Quyền theo Giáo luật của một cá nhân không thể vượt trên Giáo hội hay trên những người khác.
Khoản hai của điều luật này nói tiếp: “Nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền để điều hành, chiếu theo lợi ích chung, việc xử dụng các quyền lợi thuộc riêng cho các tín hữu”. Để bảo đảm cho những quyền của những người Công giáo, đôi khi những giới hạn phải được đặt ra trong việc thực hiện các quyền theo giáo luật của một cá nhân cụ thể. Khi điều cần thiết như thế xảy ra, Giáo hội chỉ định hợp pháp những mục tử có cả quyền và bổn phận để đặt ra những giới hạn ấy.