9. Các chuyên viên giáo luật có buộc phải cắt nghĩa chặt khi giải thích về các điều luật cụ thể không?

Một nguyên tắc pháp lý của Roma cổ nói rằng: việc có lợi thì cắt nghĩa rộng và việc có hại thì cắt nghĩa hẹp. Do đó, một luật áp dụng sự có lợi cho một nhóm hay một cá nhân cụ thể sẽ được cắt nghĩa rộng để áp dụng bao nhiêu có thể. Mặt khác, một luật mà giới hạn quyền của một nhóm hay một cá nhân, nói cách khác là áp đặt một hình phạt, thì sẽ được cắt nghĩa chặt.

Điều 18 của Bộ Giáo luật hiện hành quy định về điểm này. Điều luật phát biểu rằng: “Các luật quy định hình phạt, hoặc hạn chế  sự  tự  do thi hành quyền lợi, hoặc bao hàm một khoản trừ của luật, thì phải được giải thích một cách chặt chẽ”. Việc cắt nghĩa chặt có nghĩa là một điều được giới hạn việc áp dụng ít trường hợp bao nhiêu có thể. Việc cắt nghĩa chặt chẽ này được áp dụng cho 3 loại tình huống: (1) những tình huống bao gồm hình phạt, (2) những tình huống giới hạn quyền của một chủ thể, (3) những tình huống bao gồm một khoản trừ của giáo luật.

Chẳng hạn, điều 1398 tuyên phạt ngay lập tức vạ tuyệt thông đối với người Công giáo tiến hành việc phá thai. Tuy nhiên, điều 1323 quy định rằng không ai là chủ thể của một hình phạt giáo luật khi họ “chưa đủ 16 tuổi”. Vì vạ tuyệt thông là một hình phạt nên phải được cắt nghĩa chặt. Do đó một người mới 15 tuổi mà tiến hành phá thai của mình thì không bị vạ tuyệt thông ngay lập tức theo điều 1398. Dĩ nhiên, hành vi phá thai của người đó vẫn là một tội.