Ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, điều 10 và điều
39 phác họa chung một điều kiện để xem xét một điều luật cụ thể chi phối tính hữu
hiệu của hành vi. Điều 10 nói rằng “Các
luật chỉ được coi là bãi hiệu hay bãi năng khi minh thị ấn định rằng một hành
vi không có hiệu lực hay một chủ thể không có năng cách”. Nói cách khác, một
điều luật cụ thể phải xác định rằng để cho một hành vi xảy ra “hữu hiệu” thì nó
phải đáp ứng một điều kiện cụ thể, hoặc “một người là bãi năng” khi thực hiện một
hành vi cụ thể.
Khoản 1 của điều 900 đưa ra một ví dụ rõ ràng về cách
thức nguyên lý giáo luật này chi phối: “Chỉ
duy có tư tế đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện thân của Ðức
Kitô, mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể”. Tuân theo nguyên lý giáo
luật của điều 10, nếu một ai khác không phải là linh mục đã được truyền chức hữu
hiệu mà cố ý truyền phép trong Thánh lễ thì việc biến đổi bản thể không xảy ra.
Bánh mì và rượu nho vẫn chỉ là bánh mì và rượu nho.
Đối với hành vi hành chánh, điều 39 đưa ra một đặc
tính nữa để phân biệt những gì liên quan tới tính hữu hiệu và những gì chỉ liên
quan tới tính hợp pháp: “Các điều kiện đặt
ra trong một hành vi hành chánh chỉ được coi là chi phối sự hữu hiệu khi nào được
diễn tả bằng các tiếng: "nếu", "trừ khi", "miễn
là"”. Một ví dụ về một hành vi hành chánh đó là sự miễn chuẩn cho phép
một người Công giáo được kết hôn với một người chưa được rửa tội. Để hữu hiệu,
việc miễn chuẩn này phải được phê chuẩn chính thức bởi bản quyền địa phương hoặc
người được ủy quyền (xem điều 1086).